Con đường Việt Nam – Chương mở đầu


Chương mở đầu

Trước khi đặt bút, xin tự trong tâm khảm chân thật với chính mình, một lòng vì đất nước này, muốn chấn hưng đất Việt. Nguyện Tổ Tiên thấu được tâm can, thương con cháu Việt dùng những người viết làm một chiếc cầu đặt dưới chân cho muôn vàn người dân Việt được bước qua những gian nan trong hiện tại và trong tương lai sau này.

Trước khi đọc, xin người đọc thử tự hỏi mình, muốn gì cho đất nước này? Đã có nghe chăng những tiếng oán than trước quá nhiều điều vô lý và bất công giữa xã hội của chúng ta? Những khi như thế, chúng ta có nghe chăng hồn non nước đang gióng lên từng hồi trống đồng với những lời sông núi thúc giục một cuộc đổi thay cấp bách vì đất nước này không thể cứ tiếp tục suy vi như thế. Có lẽ chúng ta đều biết, trên chiếc trống đồng của chúng ta có chạm hình người chèo thuyền. Đó chính là Tổ Tiên muốn nhắc nhở chúng ta phải lèo lái con thuyền vận mệnh đất nước vững mạnh trong tiếng trống đồng oai hùng. Cái tinh thần đó nó nằm trong ngôn ngữ của chúng ta, trong di sản của Tổ Tiên để lại đã trở thành biểu tượng của dân tộc. Đó là di chúc từ ngàn năm trước để lại, và ngàn năm sau cũng sẽ như thế. Cái tinh thần mạnh mẽ oai hùng đó, chúng ta không thể nào quên mà phải giữ gìn để truyền lại cho con cháu chúng ta!

Là người dân Việt, chúng ta muốn gì cho đất nước Việt trong hiện tại và ở tương lai? Đứng trước thời đại mới toàn cầu hóa, chúng ta cần thành thật thừa nhận rằng đất nước Việt Nam đang ở trong tình trạng khó khăn và hỗn tạp mà đâu đó có con hổ đói lúc nào cũng rình rập. Nếu không muốn là miếng mồi ngon cho ác, chúng ta nên có chọn lựa nào để có thể phát triển dân tộc và đất nước, để xã hội đang trong cơn rối ren không bị sụp đổ làm cơ hội cho những toan tính muốn xâm chiếm khiến chúng ta mất chủ quyền đối với đất nước là vấn đề lớn của dân tộc cần phải giải quyết.

Nói đến việc phát triển đất nước và dân tộc, trước tiên phải trả lời cho mình được câu hỏi: Xuất phát điểm là đâu? Nếu không biết đặt viên đá đầu tiên ở đâu thì chẳng thể xây xong một căn nhà nhỏ huống gì là một thành lũy kiên cố để bảo vệ quốc gia và từ đó làm cho phát triển. Chữ phát triển tự nó đã mang ý nghĩa thay đổi. Nếu duy trì mãi những cái cũ thì không hề có thể gọi là có phát triển. Những gì không còn phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại mà cứ cố giữ mãi chẳng khác chi chiếc áo đã chật vẫn mang ra mặc thì khó tránh chuyện bị bung rách, thủng chỗ này chỗ kia vá víu mãi cũng chẳng xong vì cơ thể cứ lớn dần khiến bản thân người mặc chẳng thấy thoải mái lại làm trò cười cho thiên hạ.

Để tìm con đường mới, trước khi bắt đầu chúng ta cần phải chuẩn bị một tư tưởng cởi mở để tìm hiểu điều gì là hợp lý và cần thiết cho con đường phát triển dân tộc và đất nước.

Nhìn lại lịch sử hơn 4000 năm, người Việt Nam mãi chỉ là một dân tộc nô lệ dù đã có thể vùng vẫy bứt phá gông cùm trong một lúc nào đó nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy; vẫn phải khuất phục và chịu lép vế trước ngoại bang. Chúng ta đã bao lần mạnh mẽ, oai hùng và hiên ngang dành lại quyền làm chủ đất nước – điều mà người Việt Nam vẫn thường tự hào, nhưng đó không thể nào giúp chúng ta vĩnh viễn thoát khỏi gông cùm nô lệ vì chúng ta không thật sự có bản lĩnh và có những yếu tố cần thiết để duy trì độc lập và giữ được chủ quyền toàn vẹn. Từ Bắc thuộc thứ nhất (111 trước dương lịch – 39 dương lịch) đến thứ hai (43-544) rồi thứ ba (602- 939), tiếp theo là chịu sự cai trị của người Pháp (1858-1945) Từ sau nội chiến kết thúc năm 1975, thời gian 35 năm qua đất nước vẫn chưa thực sự được độc lập và tự chủ để giờ đây chúng ta lại đang đối diện với một nguy cơ mới; ngoài khơi có hải đảo Trường Sa Hoàng Sa Trung Quốc chiếm giữ, trên núi có yếu địa Tây Nguyên Trung Quốc đang tự do tung hoành một cách hợp pháp không có sự đồng ý của người dân. Ngay trong lòng xã hội, ý thức hệ của dân tộc đang bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề cùng với nền kinh tế chưa được vận hành một cách có hiệu quả và tồn đọng quá nhiều những rủi ro bất cập. Trước mắt nền kinh tế của chúng ta đang bị chi phối bởi những nhà đầu tư nước ngoài mà người làm công lại chính là những người dân chúng ta. Đó có phải chăng là một hình thức nô lệ mới? Kỳ dư, chúng ta vẫn hàng ngày đối diện với quá nhiều bất công xã hội, phải chịu đựng những sự đàn áp vô lý và thiếu sự tự do thực sự của một người công dân. Nếu chúng ta chấp nhận như thế, điều gì sẽ xảy ra cho đất nước này? Sự im lặng của chúng ta có thật sự để cho chúng ta yên thân hay không? Chúng ta có sợ chăng bị mất chủ quyền và trở thành là khách trên chính quê hương của mình? Điều đó sẽ xảy ra với những nguy hiểm từ ngoài khơi đến trong đất liền ở các vùng biên giới. Nếu chúng ta có thể ngăn cản và giành lại hoàn toàn sự kiểm soát và chủ quyền cho dân tộc đối với lãnh thổ, lãnh hải mà không có một chính sách để ngăn ngừa nguy cơ ngoại xâm thì tương lai thế hệ sau của chúng ta lại sẽ phải đối diện. Thiết nghĩ thay vì cứ phải chống ngoại xâm tốt hơn hết là khiến ngoại bang không có ý đồ xâm chiếm chúng ta. Muốn như vậy, chúng ta cần phát triển đất nước và dân tộc cho được mạnh mẽ thật sự.

Tình trạng hiện tại đất nước của chúng ta là chưa theo kịp đà phát triển của thế giới. Nhân lực của chúng ta, những người có kiến thức về lãnh vực chuyên môn trong những công trình lớn hầu như đều vay mượn từ nước ngoài, chúng ta tìm cách tận hưởng những giá trị khoa học nhưng không có khả năng đào tạo nhân tài am tường khoa học kỹ thuật và gần như không có một phát minh nào đủ lớn tương ứng với tầm vóc của một dân tộc đông thứ 13 trên thế giới trong sự phát triển chung của nhân loại. Về tư tưởng chúng ta đứng giữa những giá trị cũ và mới, có khi chẳng biết đối xử làm sao với những mâu thuẫn từ hai nền văn hóa Tây Đông. Bỏ cái cũ thì cảm thấy như bị cắt thịt da, tiếp nhận cái mới thì bị tự ái dân tộc cản trở. Thật sự nếu tiếp thu thì cũng phải chọn lọc cái nào thích hợp và không xâm hại hay làm đảo lộn xã hội. Chúng ta không thể nào là cái thùng rác thu gom tất cả, nhưng lại chẳng thể lưỡng lự mãi dậm chân tại chỗ để bị tụt hậu mà phải biết chọn lựa những cái hay mà phát triển cho dân tộc mình.

Song phát triển đất nước và dân tộc là mục tiêu không thể nào đạt được trong thời gian ngắn hạn. Chúng ta cần sự ổn định về chủ quyền quốc gia, những chính sách sáng suốt về kinh tế, chính trị, giáo dục v.v… song điểm xuất phát nó không nằm ở những điều này mà chính là từ “Tư Tưởng” trong mỗi cá nhân người dân Việt. Để chuẩn bị cho tư tưởng cần nên có cho một đất nước phát triển và văn minh đúng nghĩa trước tiên chúng ta nên tìm hiểu và nhìn lại những tư tưởng mà xưa nay chúng ta vẫn cho là truyền thống của dân tộc.

Xã hội Việt Nam từ gia đình, học đường lên đến chính phủ; từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới là tràn ngập sự độc tài và áp đặt. Mỗi một cá nhân đều không có quyền tự chủ. Từ nhỏ đến khi lớn lên mọi việc đa số được cha mẹ xếp đặt, từ việc học cho đến lấy vợ lấy chồng; tư tưởng người Việt Nam còn suy nghĩ là cha mẹ có quyền đặt để. Hoặc nếu cha mẹ nào dễ dàng hơn thì có khi chính người con lại vì đã hấp thụ sự giáo dục là phải hiếu thảo và nghe lời nên muốn làm vui lòng cha mẹ. Thêm vào dư luận và sự lên án của xã hội đã làm cho chúng ta gần như không thể tự chủ. Trong gia đình thì như thế, ngoài xã hội cũng chẳng khác chi, lên đến phương diện quốc gia, chúng ta đa số cũng ngoan ngoãn chấp hành luật lệ được ban ra dù đôi lúc có thể hiện phần nào bất mãn mà những luật lệ đó chúng ta chẳng được dự phần ý kiến. Có lẽ nào chúng ta cứ chấp nhận bị làm chủ như thế cho đến hàng ngàn năm sau nữa???

Mỗi cá nhân người dân Việt đã không có quyền làm chủ cho chính số phận và cuộc đời của mình và không có quyền ý kiến với những chính sách quốc gia thì làm sao có thể mạnh mẽ giữ được chủ quyền đối với đất nước? Làm sao có thể đưa dân tộc đến những thăng hoa của sự văn minh và phát triển?? Cái việc hô hào dân chủ hiện tại, nó không hề thực tế đối với chúng ta. Và nó cũng chẳng bao giờ được thực tế hóa nếu chúng ta chưa xóa bỏ những ý nghĩ chấp nhận bị làm chủ đã đè nặng trong tư tưởng của chúng ta từ hàng ngàn năm nay. Có thể làm chủ chính mình mới có thể có tự do, có tự do mới có văn minh. Tự do để sống như một thực thể không bị ràng buộc, không có sợ hãi, tự do để sáng tạo, tự do để đóng góp cho thế giới và loài người.

Lịch sử của chúng ta ghi rất là nhiều những chiến công của cha ông đánh thắng kẻ ngoại xâm, nhưng đánh thắng xong chúng ta không loại trừ những tư tưởng nô lệ đã xâm nhập vào xã hội chúng ta. Những gì chúng ta cứ ngỡ là truyền thống của mình như là một vài tư tưởng trong Nho Khổng đã dường như ăn sâu vào trong chúng ta. Xin thưa là không phải hoàn toàn như vậy. Trước khi người Hán xâm chiếm chúng ta và đem văn hóa Trung Quốc vào Việt Nam, người Việt không có truyền thống đó. Những tư tưởng muốn kiềm chế như là thần thì phải trung với quân vô điều kiện, con thì phải hiếu với cha mẹ bất chấp hậu quả như thế chúng ta không nên giữ nữa mà cần gạn lọc lại. Con tất nhiên là phải hiếu với cha mẹ vì mang nặng thâm ân sinh dưỡng, nhưng không có nghĩa là việc gì cũng do cha mẹ làm chủ và thậm chí có những cha mẹ đem tư tưởng này đè nặng lên người con không quan tâm đến cảm giác của người con mà người con lại phải cắn răng chịu đựng để được mang tiếng là hiếu trong thời gian trước đây. Như chúng ta đều biết đó chỉ tạo ra thêm bi kịch trong xã hội. Tư tưởng độc tài trong phạm vi gia đình này dẫu rằng đã không còn những biểu hiện rõ ràng trong đời sống hiện tại thì nó vẫn là tư tưởng người ta coi là truyền thống, nó cần bị chính thức loại bỏ.

Làm cha mẹ, chỉ cần con mình không làm ác, không phạm pháp giết người cướp của, trộm cắp v.v…thì đều nên ủng hộ những sở thích và chọn lựa của con mình. Bổn phận của cha mẹ là hướng dẫn, và ý kiến, phân giải để cho con cái suy nghĩ nhưng quyền quyết định cuối cùng cũng phải nên để cho con cái được quyết định và quyết định đó cần phải được tôn trọng. Sự nghe lời cha mẹ nằm trong phạm vi “Hiếu” cần giới hạn từ tuổi nào đến tuổi nào. Cái tư tưởng về hiếu cực đoan này nó chỉ khiến thân thuộc làm khổ nhau, dằng vặc nhau mà thôi!

Khi nói dân thì phải trung với vua vì vua là con trời (thiên tử), Đó là lý luận được đặt ra để lừa gạt người dân trung thành. Tư tưởng đó đã lỗi thời song di tật trong chúng ta dường như vẫn còn. Chúng ta vẫn nghĩ phải trung thành với những người cai trị đất nước dù cho họ có nhiều sai lầm. Chúng ta hay đưa ra những lý do như là họ đã có công với đất nước trước đây mà không nghĩ là có công không có nghĩa là họ có thể cai trị dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chúng ta phải biết đặt điều kiện cho sự hiếu thảo và trung thành của chúng ta chứ không thể nào cực đoan và mù quáng.

Chính vì tư tưởng này bị đưa vào trong nền giáo dục khi xưa ấy đã ảnh hưởng đến sự phát triển của dân tộc và đất nước chúng ta. Hãy đem cái tư tưởng nô lệ căn tính đó trả về lại cho người Hán chỉ gạn lọc giữ lại những gì còn phù hợp với chúng ta. Nếu như sự tự chủ của chúng ta không làm tổn hại đến lợi ích của ai hay vi phạm pháp luật cũng như là đi ngược với tính thiện căn bản của con người thì nên được quyền tự chủ và khuyến khích tự chủ.

Mỗi người dân có thể làm chủ mình, được làm chủ chung đối với đường lối cai trị đất nước thì đất nước sẽ có dân chủ đúng nghĩa. Quốc gia sẽ có chủ quyền lâu dài. Vì căn bản cho sự vững mạnh, độc lập đã ở nơi mỗi người dân thì vận mệnh đất nước do những người có tự chủ, mạnh mẽ tất nhiên sẽ được hùng mạnh lâu dài.

Dù rằng kinh tế và chính trị là hai lãnh vực trước mắt rất cấp bách cần có nhiều đường lối mới để giải quyết, nhưng căn bản cho một nền kinh tế chính trị vững mạnh chính là ở nơi tư tưởng của người dân và quyền tự do của người dân mà trong đó có cái tự do mà không cần lòn cúi. Những phương pháp giải quyết các vấn đề quốc gia chúng ta không có quyền can thiệp và ý kiến của chúng ta bị coi như tiếng khóc trẻ thơ chỉ cần bị doạ dùng bạo lực là nín thin thít hoặc cho vài viên kẹo thì không những ngậm miệng lại mà còn cười thoả mãn. Chúng ta im lặng là tự coi thường mình và để bị coi thường một cách quá đáng. Và như vậy có nghĩa là chúng ta có cái đầu nhưng không thể sử dụng và bỏ quên giá trị của nó. Vì thế đất nước của chúng ta không được phát triển để dù là một dân tộc với mấy ngàn năm lịch sử vẫn đi sau rất nhiều quốc gia trên thế giới chỉ vì thiếu tự do.

Nói về vị thế của Việt Nam, trên thế giới chúng ta là điểm giao thoa giữa Đông và Tây trước thời đại toàn cầu hóa. Vị thế ấy ngầm nói cho chúng ta biết nếu khôn ngoan thì đất nước có thể phát triển trở thành một vườn hoa muôn màu muôn sắc kết hợp các nền văn hóa văn minh mà vẫn giữ không để mất bản sắc dân tộc với điều kiện là chúng ta phải hoàn toàn làm chủ được đất nước của mình xây dựng từ sự làm chủ bản thân.

Con Đường của Việt Nam nên đi để giữ gìn và phát triển đất nước là phải làm chủ lấy tất cả. Xác định lại tư tưởng và trách nhiệm với tổ quốc, gạn lọc và bỏ đi những gì không còn phù hợp, đặt lại nền tảng xã hội từ những tinh hoa bản sắc dân tộc đồng thời thuận với đạo đức và bản tính thiện của con người.

Cũng như người xếp gọn lại tủ quần áo, liệng bỏ những thứ không cần tới thì mới có thể bỏ ngăn nắp những chiếc áo mới vào, nếu không sắp xếp gọn gàng, chiếc áo mới cũng sẽ bị quăng vào nằm ngổn ngang với mớ quần áo cũ. Muốn tiếp nhận giá trị mới và có thể sử dụng hay tận dụng lợi ích giá trị của nó cần phải thu dọn và gạn lọc những giá trị cũ mà xã hội chúng ta đang rối bời giữa các những giá trị mới cũ. Dù muộn, chúng ta cũng không thể chần chừ được nữa…

Đứng trên phương diện thế giới, khi cùng chung sống trên một quả địa cầu, chúng ta cũng có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình và ổn định của thế giới. Về chính trị chúng ta nên chủ trương sống ôn hòa với những láng giềng tốt, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, đối với những láng giềng xấu chúng ta phải biết tự vệ một cách hữu hiệu và đem điều tốt ảnh hưởng họ. Tham lam và muốn tranh dành chủ quyền đối với những gì vốn chẳng thuộc về mình là một trong những nguyên nhân gây ra thù hận làm nên chiến tranh hay tranh chấp giữa các nước, đối với láng giềng như thế chúng ta phải biết tỏ thái độ rõ ràng. Và quan trọng nữa là chính chúng ta phải bỏ đi lòng căm thù đối với tất cả quốc gia. Đối xử công bằng và không thành kiến. Sống hiền thiện với trí sáng suốt. Không cứ gần thì chúng ta phải thân và sợ hay thân vì sợ. Chúng ta cần phải xây dựng đất nước mạnh mẽ để không phải sợ ai, tất cả là vì lợi ích chung của dân tộc mà không có hại cho thế giới. Chúng ta hãy như là những con voi trong rừng già, cô đơn vẫn mạnh mẽ, mà hòa hợp vẫn mạnh mẽ.

Cuốn sách này sẽ bắt đầu bằng sự trở về cội nguồn tìm lại tinh hoa cũ và xác định bản sắc dân tộc là bước đầu tiên chúng ta cần phải làm. Những giá trị nào làm nên bản sắc dân tộc, những giá trị nào góp phần làm xấu hình ảnh dân tộc, sẽ giừ gìn và bỏ đi những gì sẽ được trình bày ở chương một.Thứ đến là chương về giáo dục. Vì giáo dục là nền tảng xã hội, muốn đất nước hồi sinh không thể không chỉnh đốn lại nền giáo dục. Và tuần tự là những chương về chính trị kinh tế, tôn giáo và phần phụ lục gồm những bài viết của anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Tất cả các lãnh vực, tất nhiên không thể nói hết trong một cuốn sách vài trăm trang. Con Đường Việt Nam là xác định lại vị thế của đất nước mình. Để phát triển dân tộc và đất nước đúng theo vị thế đó chúng ta cần có những tư duy như thế nào và biện pháp ra sao ở mức độ căn bản đặt trên mục tiêu phát triển đất nước và dân tộc.

Xin nhắc nhở nơi đây, Con Đường Việt Nam, bất cứ là người dân Việt nào nếu thấy đây đúng là con đường Việt Nam cần phải đi, dù là ai, theo chủ nghĩa nào cũng không phân biệt. Con Đường Việt Nam là con đường hòa giải và hoà hợp dân tộc, chứ không phải con đường đào cái hố ngăn cách thêm sâu. Tất cả ý thức hệ đã làm chia rẽ người Việt Nam đều cần xóa bỏ. Điều duy nhất cần ý thức chính là dân tộc phải đoàn kết, cùng chọn ra một hướng đi cho đất nước trên tinh thần của kẻ muốn điều hay, điều chân thật, điều thiện và mạnh mẽ.

Trước khi cùng nhau bước trên con đường này, chúng ta cần trở lại cội nguồn tìm lại tinh hoa cũ, lấy đó làm nền tảng và hành trang cho cuộc hành trình của mình. Cũng như là thưa lên với Tổ Tiên, xin với hồn thiêng sông núi lúc nào cũng ở bên ủng hộ con cháu Lạc Hồng. Chiếc trống đồng biểu tượng của dân tộc chúng ta, từ mấy ngàn năm vẫn còn tìm lại được, chúng ta đừng nên để trống còn mà dân tộc mất. Đứng ở vị trí hiện tại chúng ta hãy thử tự hỏi mình, dân tộc Việt lại quá đỗi tầm thường đến thế sao? Hãy tự hỏi mình muốn gì ở tương lai? Xin vì chính mình, vì giòng dõi Lạc Hồng, vì sông núi này hãy thoát khỏi tư tưởng nô lệ, gầm rống những tiếng mạnh mẽ để biết rằng dòng máu biết liêm sỉ trong dân tộc Việt vẫn còn đó chưa hề phai, và dân tộc Việt có đủ tài hay dù không đủ tài cũng phải cố gắng để chấn hưng lại sự nghiệp của cha ông. Hãy là đại bàng muốn vươn đến trời xanh, đừng làm loài se sẻ chỉ muốn bay đến ngọn trúc. Hãy trở về với cái thật sự là dân tộc Việt, trả những tư tưởng ẩn chứa bên trong điều bất thiện muốn thôn tính lân bang. Hãy cùng nhau bứt phá xiềng xích, hãy cùng nhau vẫy vùng cho thỏa chí Việt đã phải đè nén bao lăm, cho Tổ Tiên mỉm cười hài lòng, cho đất nước này có ngày mai! Nên lắm chứ! Từng hồi trống đồng đang thúc giục chúng ta…

Trần Huỳnh Duy Thức

Nguồn: http://chanlachong.multiply.com/journal/item/18/18

Bình luận về bài viết này